Rất nhiều doanh nghiệp sử dụng trang doanh nghiệp trên Google (Google Business Profile) để phục vụ hiệu quả cho việc kinh doanh với khách hàng mục tiêu tại địa phương. Vậy làm thế nào để tối ưu thông tin doanh nghiệp một cách tốt nhất, để có thể sử dụng hiệu quả Google My Business cho tăng trưởng xếp hạng kết quả tìm kiếm tại địa phương?
Hãy cùng Webb tìm hiểu với nội dung dưới đây nhé.
Google Business Profile là gì?
Google Business Profile (trước đây còn được gọi là Google My Business) là một công cụ của Google cho phép tạo hồ sơ doanh nghiệp của mình trên Google tìm kiếm và Google Maps. Khi tạo Google Business Profile, bạn có thể cho hiển thị các thông tin của doanh nghiệp xuất hiện khi người dùng tìm kiếm, như thông tin tên doanh nghiệp, số điện thoại, ảnh và bài đăng…
Đây là một sản phẩm miễn phí từ Google. Cũng như các công cụ khác, bạn phải tuân theo các nguyên tắc khi xây dựng Google Business Profile.
Hãy cùng Webb tìm hiểu các nguyên tắc đó để giúp cho doanh nghiệp của bạn tránh việc vi phạm, nó có thể khiến thông tin doanh nghiệp của bạn bị tạm ngưng.
Tất cả các doanh nghiệp đều có thể tạo Google Business Profile?
Không phải tất cả các doanh nghiệp đều đủ điều kiện tạo Google Business Profile.
Doanh nghiệp của bạn phải tương tác trực tiếp với khách hàng. Tương tác đó có thể xảy ra tại địa điểm kinh doanh hoặc địa điểm của khách hàng (ví dụ: nhà của họ), nhưng phải có tương tác trực tiếp. Điều đó có nghĩa là các công ty Thương mại điện tử, cho thuê hoặc bán bất động sản (không bao gồm lĩnh vực cho thuê hoặc bán bất động sản văn phòng),… không đủ điều kiện để được đưa lên.
Tối ưu Google Business Profile cho Tên công ty, Địa chỉ và Số điện thoại
Name, Address & Phone Number phải có tính nhất quán nhau, kể cả thông tin trên website hoặc thông tin trên profile tại các trang khác, đây là một yếu tố quan trọng để xếp hạng tốt trên kết quả tìm kiếm. Ngoài tính nhất quán, Google có các nguyên tắc nghiêm ngặt về cách thể hiện Name, Address & Phone Number trong list hồ sơ của mình. Chúng ta cùng tìm hiểu sau đây:
Nguyên tắt đặt Tên (Name)
Tên trong hồ sơ thông tin Google Business Profile phải là tên có thực, được sử dụng trong thực tế. Tên doanh nghiệp phải đồng bộ và nhất quán từ nhãn hiệu, văn phòng phẩm, thiết kế bảng hiệu, thông tin trên website…
Nên sử dụng tên đầy đủ của doanh nghiệp, vì tên đầy đủ đó thường được sử dụng trong môi trường thực.
Tên doanh nghiệp của bạn trên Google Business Profile không bao gồm:
- Dòng giới thiệu
- Mã cửa hàng
- Nhãn hiệu hoặc biểu tượng đã được đăng ký
- Các từ được viết hoa hoàn toàn (trừ khi đó là một từ viết tắt)
- Thông tin giờ làm việc
- Số điện thoại hoặc địa chỉ website
- Các ký tự đặc biệt (ví dụ:% & $ @ / ”) hoặc các điều khoản pháp lý không liên quan
- Thông tin dịch vụ hoặc sản phẩm
- Thông tin địa điểm
- Thông tin quản lý cho biết doanh nghiệp của bạn nằm trong một doanh nghiệp khác
Cách ghi thông tin Địa chỉ (Address)
Thông tin địa chỉ trên Google Busines Profile phải chính xác. Không gian làm việc chung (Co-working) hoặc văn phòng ảo không đủ điều kiện để sử dụng làm địa chỉ doanh nghiệp. Địa chỉ đó phải là nơi bạn phục vụ khách hàng của mình.
Nếu địa chỉ doanh nghiệp nằm trong một tòa nhà văn phòng, có số phòng, hãy ghi chính xác địa chỉ số phòng để tránh các vấn đề về trùng lặp địa chỉ với các doanh nghiệp khác cùng tòa nhà.
Sử dụng địa chỉ số nhà, tên đường cho “Dòng địa chỉ 1”, sử dụng số phòng hoặc đơn vị trên “Dòng địa chỉ 2”. Bạn cũng nên ghim chính xác vị trí trên bản đồ để Google Maps đưa người dùng đến vị trí của bạn một cách dễ dàng.
Thông tin chuyên sâu về Địa chỉ
Nếu doanh nghiệp của bạn không có địa chỉ văn phòng, thay vào đó bạn phục vụ khách hàng tại địa điểm của họ, thì doanh nghiệp của bạn có thể đủ điều kiện để kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ. Doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ phải có đầy đủ các thông tin: Thành phố, quận, mã bưu điện hoặc các loại khu vực khác. Bạn có thể có tối đa 20 lĩnh vực kinh doanh được liệt kê trong thông tin hồ sơ Google Business Profile, giúp Google hiển thị thông tin doanh nghiệp của bạn đến với đúng đối tượng người dùng.
Theo Google, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chỉ có thể tạo một hồ sơ doanh nghiệp cho khu vực thành phố lớn mà họ phục vụ, khu vực kinh doanh thường không nên kéo dài quá hai giờ lái xe tính từ địa chỉ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Khi tạo một hồ sơ doanh nghiệp, bạn được nhắc nhập một địa chỉ, chẳng hạn như địa chỉ nhà riêng cho mục đích xác minh bưu thiếp, nhưng bạn nên chọn để trống trường “vị trí doanh nghiệp” trong tab thông tin Business Profile Manager. Thay vào đó, hãy điền vào trường “khu vực kinh doanh”.
Doanh nghiệp có cửa hàng và doanh nghiệp không có cửa hàng trên Google My Business?
Nếu bạn không có vị trí cửa hàng rõ ràng, nhưng có thể di chuyển để đến gặp gỡ và phục vụ khách hàng tận nơi, bạn đủ điều kiện cho thông tin hồ sơ khu vực kinh doanh. Địa chỉ có thể được ẩn nhưng khu vực phục vụ phải được xác định rõ ràng. Nếu bạn có chỉ dẫn đến địa chỉ văn phòng/cửa hàng, có nhân viên, đồng thời thực hiện giao hàng, phục vụ tận nơi hoặc di chuyển để gặp khách hàng thì đây là một địa điểm kết hợp.
Các doanh nghiệp có địa điểm kết hợp không nên có hai hồ sơ doanh nghiệp riêng biệt cho khu vực kinh doanh và địa chỉ, mà thay vào đó chỉ cần 1 hồ sơ doanh nghiệp được điền đầy đủ thông tin vào các trường “địa điểm kinh doanh” và “khu vực kinh doanh” trong tab Thông tin của Trình quản lý hồ sơ doanh nghiệp (Business Profile Manager).
Lưu ý: Nếu doanh nghiệp có các địa điểm khác nhau cho hoạt động kinh doanh tại các khu vực kinh doanh riêng biệt, có nhân viên riêng biệt tại mỗi địa điểm, Google sẽ cho phép một hồ sơ doanh nghiệp cho mỗi vị trí.
Website
Với thông tin website, bạn chỉ cần nhập chính xác địa chỉ website của doanh nghiệp. Nếu hồ sơ doanh nghiệp là một địa điểm nhượng quyền thương mại hoặc một doanh nghiệp có nhiều trang web, hãy sử dụng địa chỉ website đại diện cho vị trí cụ thể theo từng hồ sơ doanh nghiệp.
Mẹo theo dõi: Sử dụng mã UTM để theo dõi khi người dùng nhấp vào Hồ sơ doanh nghiệp trên Google. Sử dụng mã UTM trên URL sẽ cho phép xem được lưu lượng truy cập đến từ (các) Hồ sơ doanh nghiệp. Thông qua công cụ Google Analytics và các công cụ khác, chúng ta sẽ có được thông tin chi tiết chính xác hơn so với Hồ sơ doanh nghiệp của Google cung cấp trong Trình quản lý.
Khung giờ mở cửa/làm việc
Thông tin khung giờ làm việc cần rõ ràng để khách hàng biết rằng doanh nghiệp đang mở cửa kinh doanh. Google sẽ hiển thị rõ thời điểm doanh nghiệp mở cửa hoặc đóng cửa dựa trên những giờ này. Do đó, thông tin giờ làm việc cần phải được điền chính xác để tạo sự thuận tiện cho khách hàng.
Giờ cố định hàng ngày & Giờ theo cuộc hẹn
Nếu doanh nghiệp làm việc theo giờ cố định (giờ hành chính), chỉ cần điền chính xác giờ làm việc. Bạn có thể điều chỉnh giờ làm việc nếu cần hoặc đánh dấu doanh nghiệp của mình là tạm thời đóng cửa.
Nếu bạn chỉ làm việc theo đặt lịch hẹn, Google chưa hỗ trợ tùy chọn này. Cách đơn giản là bạn không nên cung cấp giờ làm việc cố định trong hồ sơ doanh nghiệp của mình.
Ngày lễ & Giờ đặt biệt
Thời gian làm việc có thể bị gián đoạn trong một kỳ nghỉ hoặc giờ phục vụ cho một sự kiện không cố định. Sử dụng tính năng thêm giờ nếu có khung giờ cụ thể theo dịch vụ, chẳng hạn như giờ đón đưa, giờ lái xe hoặc giờ riêng cho khách hàng cao cấp. Không thể tùy chỉnh nội dung cho những giờ này, bạn phải chọn từ những gì Google có sẵn.
Chọn đúng danh mục lĩnh vực kinh doanh
Lựa chọn chính xác danh mục lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Nên chọn càng ít danh mục càng tốt để mô tả tổng thể lĩnh vực kinh doanh, lựa chọn các danh mục con càng chi tiết càng tốt.
Nếu không có danh mục nào đúng về lĩnh vực của doanh nghiệp, hãy chọn một danh mục chung hơn.
Lưu ý: Không thể tạo danh mục riêng khác. Thỉnh thoảng hãy kiểm tra lại danh mục có sẵn từ Google, biết đâu Google sẽ cập nhật thêm mới.
Độ chính xác của lĩnh vực rất quan trọng vì chúng cũng có thể ảnh hưởng đến những tính năng mở rộng trong lĩnh vực đó. Ví dụ: Nhà hàng có thể thêm thực đơn, khách sạn có thể thêm thời gian nhận phòng,… Google cũng đang tiếp tục cập nhật các tính năng này.
Mô tả doanh nghiệp
Nội dung mô tả sản phẩm, dịch vụ, sứ mệnh, lịch sử kinh doanh… rất quan trọng. Google cho phép sử dụng 750 ký tự để bạn có thể viết đoạn mô tả thông tin chi tiết về doanh nghiệp của mình.
Lời khuyên khi viết đoạn mô tả doanh nghiệp trên hồ sơ Google My Business:
- Giới thiệu dịch vụ, sản phẩm mà bạn đang cung cấp đến khách hàng
- Điều gì làm bạn khác biệt: Khác biệt trong kinh doanh hoặc khác biệt với đối thủ cạnh tranh, tại sao lại chọn bạn thay vì đối thủ?
- Giới thiệu lịch sử kinh doanh: Doanh nghiệp đã kinh doanh được bao lâu? Nó có thuộc sở hữu và điều hành của gia đình không?
- Bất kỳ thông tin gì khác làm cho doanh nghiệp khác biệt
Nội dung trong mô tả doanh nghiệp của bạn không được :
- Đánh lừa người dùng
- Hiển thị nội dung chất lượng thấp, sử dụng ký tự phô trương,
- Tập trung vào các chương trình khuyến mãi, giá hoặc bán hàng đặc biệt
- Hiển thị các liên kết
- Chứa nội dung xúc phạm hoặc không phù hợp (có các nguyên tắc cụ thể)
Điều gì sẽ xảy ra nếu Nguyên tắc Google Business Profile không được đáp ứng?
Khi các hồ sơ doanh nghiệp của bạn vi phạm các nguyên tắc của Google thì nó có thể bị tạm ngưng. Có nghĩa là doanh nghiệp của bạn trở nên chưa được xác thực hoặc danh sách hồ sơ doanh nghiệp của bạn không còn hiển thị trên Google Tìm kiếm và Google Maps.
Google sẽ không cho bạn biết lý do tại sao họ lại tạm ngưng danh sách hồ sơ doanh nghiệp của bạn, vì vậy, việc nhận thức và tuân thủ các nguyên tắc của Google ngày càng trở nên quan trọng.
Hồ sơ doanh nghiệp của bạn trên Google Business Profile có thể là nguồn lưu lượng truy cập rất tốt, mang lại khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp, vì vậy đừng để việc vi phạm nguyên tắc khiến hồ sơ doanh nghiệp bị ngừng hoạt động.
Đội ngũ SEO local
Đội ngũ SEO local tại Webb hiểu về các nguyên tắc của Google và được trang bị các kỹ thuật để cải thiện xếp hạng tại Google địa phương. Liên hệ với Webb ngay hôm nay để tăng số lượng khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp của bạn từ SEO Local thông qua tối ưu hồ sơ doanh nghiệp trên Google Business Profile.